Issue Type là gì?

Issue Type (loại issue) trong Jira được sử dụng để phân biệt các loại công việc khác nhau theo những cách riêng, hỗ trợ các hóm xác định, phân loại và báo cáo các công việc trên trang Jira của họ. Các loại issue giúp các nhóm cấu trúc quy trình làm việc, tìm kiếm và sắp xếp công việc, theo dõi tiến độ và đánh giá liệu nhóm đã phản ứng tốt với các lỗi hoặc hoàn thành các sáng kiến hay chưa. Jira hỗ trợ nhiều loại issue mặc định, nhưng các nhóm hoàn toàn có thể tuỳ chỉnh chúng cho phù hợp với bất kỳ phương pháp quản lý dự án nào họ muốn.

Issue Type mặc định trong Jira

Epic

Một Epic trong Jira được sử dụng để theo dõi và quản lý các công việc lớn, có thể được chia thành các phần nhỏ và dễ quản lý hơn – được gọi là Story (câu chuyện). Các Epic thường đại diện cho một nhóm câu chuyện có liên quan đến nhau để cùng đạt được một mục tiêu cụ thể. 

Ví dụ, trong dự án cải thiện giao diện người dùng của một ứng dụng phần mềm, Epic sẽ bao gồm các chi tiết như mô tả dự án, các tiêu chí chấp nhận (acceptance criteria), điểm câu chuyện ước tính (estimated story points) và mức độ ưu tiên (priority level). Sau đó, Epic sẽ được chia thành các câu chuyện nhỏ hơn, chẳng hạn như Cập nhật giao diện trang đăng nhập, Thiết kế lại thanh điều hướng chính và Cải thiện chức năng tìm kiếm.

Bug

Loại issue Bug được sử dụng để theo dõi lỗi hoặc sự cố liên quan đến phần mềm hoặc hệ thống. Lỗi là một lỗi mã nguồn, sơ suất hoặc một lỗ hổng trong hệ thống khiến hoạt động không như mong đợi hoặc dự kiến. Lỗi có thể được phát hiện trong quá trình thử nghiệm, triển khai hoặc thậm chí là sau khi phần mềm đã được phát hành. Khi một lỗi được tạo, một thành viên nhóm sẽ được chỉ định để chịu trách nhiệm giải quyết lỗi đó. Khi lỗi được xử lý, các cập nhật có thể được thêm vào issue để theo dõi tiến trình, chẳng hạn như một bản sửa lỗi được thử nghiệm hoặc triển khai. 

Ví dụ, một lỗi có thể là một liên kết không hoạt động trên trang web. Nếu không có gì xảy ra khi người dùng nhấn nút Gửi, lỗi sẽ là Nút không hoạt động.

Story

Story – Câu chuyện mô tả một đơn vị công việc nhỏ, góp phần hoàn thành một Epic hoặc một dự án. Story được sử dụng để theo dõi và quản lý việc thực hiện các tính năng hoặc yêu cầu cụ thể.

Ví dụ, một issue loại Story có thể là Là người dùng, tôi muốn xem số dư tài khảon của mình. Issue này được chỉ định mức độ ưu tiên, trung bình hoặc cao, tuỳ vào mức độ quan trọng của nó đối với người dùng.

Task

Task – Nhiệm vụ trong Jira được sử dụng để theo dõi một phần công việc cần được hoàn thành trong một dự án, nhưng không nhất thiết phải tương ứng với một tính năng mới hoặc một công việc sửa lỗi. Task thường là những phần công việc nhỏ hơn, đóng góp vào tiến độ chung của dự án, chẳng hạn như viết tài liệu (documentation), kiểm thử (testing) hoặc cải tiến mã nguồn (code refactoring). 

Ví dụ, khi cần tạo ra các tài liệu về dự án, Task này bao gồm cập nhật mô tả dự án, hướng dẫn cài đặt và những thông tin liên quan khác cho người dùng.

Sub-task

Sub-task – Nhiệm vụ nhỏ trong Jira đại diện cho một phần công việc nhỏ và cụ thể hơn, là một phần của một Story hoặc Task lớn hơn. Các Sub-task giúp các nhóm chia nhỏ hơn nữa và sắp xếp các công việc trong một Story hoặc Task. 

Ví dụ, Sub-task có thể một phần việc cụ thể liên quan đến việc triển khai một phương thức thanh toán mới trên trang web thương mại điện tử, chẳng hạn như Tích hợp API thanh toán mới, bao gồm các chi tiết như mô tả, thời gian hoàn thành ước tính và người đảm nhận phần công việc.

Issue Type bổ sung trong Jira Software

Ngoài các issue type mặc định ở trên, Jira cũng hỗ trợ người dùng tạo các issue type tuỳ chỉnh. Tính năng này có thể hữu ích đối với các tổ chức có một quy trình công việc độc đáo hay các loại công việc không phù hợp với các loại mặc định. Issue type tuỳ chỉnh có thể giúp bạn phân loại và theo dõi thêm các hạng mục công việc ngoài các loại mặc định do Jira cung cấp.

Tạo một issue type tuỳ chỉnh

Bạn cần có quyền quản trị viên để tạo issue type tuỳ chỉnh trong Jira Software. Dưới đây là các bước cơ bản để thực hiện công việc này:

1. Truy cập menu quản trị Jira và chọn Issues

2. Trong Issue Types, chọn Add Issue Type

3. Đặt tên và mô tả cho issue type mới của bạn để làm rõ mục đích và chức năng của nó

4. Chọn một biểu tượng (icon) đại diện cho issue type mới

5. Định cấu hình bất kỳ cài đặt bổ sung nào khác, chẳng hạn như giới hạn hiển thị issue type với một số dự án hoặc người dùng cụ thể

6. Lưu issue type mới

Một số loại issue bổ sung hữu ích

New Feature – Tính năng mới: Loại issue New Feature được sử dụng để theo dõi sự phát triển của tính năng hoặc tính năng mới đang được thêm vào phần mềm hoặc hệ thống. Đây là một trong những loại issue có sẵn trong Jira và thường được sử dụng trong các dự án phát triển phần mềm, để quản lý việc phát triển các tính năng mới hoặc cải tiến các chức năng hiện có.

Improvement – Cải tiến: Một issue loại Improvement được sử dụng để theo dõi và quản lý các thay đổi giúp cải thiện chức năng, hiệu suất hoặc trải nghiệm người dùng. Improvement thường là những thay đổi không liên quan đến việc sửa lỗi hoặc thêm các chức năng mới, mà là để tối ưu hoá hoặc nâng cao chức năng hiện có.

Change – Thay đổi: Issue loại Change được sử dụng để thể hiện một thay đổi quan trọng đối với một hệ thống hoặc quy trình hiện có. Nó thường được sử dụng trong quản lý dịch vụ CNTT nhằm theo dõi các yêu cầu thay đổi và phê duyệt thay đổi.

Sub-bug – Lỗi phụ: Issue loại Sub-bug là issue phụ của một Bug, có thể được tạo trong các Bug chính để giúp chia lỗi thành các phần nhỏ và dễ quản lý hơn.

Test case – Trường hợp kiểm thử: Test case là một loại issue thể hiện một kịch bản kiểm thử cụ thể cần được thực hiện đối với một tính năng phần mềm. Các Test case có thể được liên kết với các User Story hoặc Epic cụ thể để đảm bảo rằng tất cả các chức năng đều được kiểm thử.

Spike – Mũi nhọn: Spike là một loại issue được sử dụng để thể hiện những nỗ lực tập trung trong ngắn hạn để nghiên cứu một công nghệ hoặc phương pháp cụ thể. Issue loại Spike thường được sử dụng trogn các phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt, giúp các nhóm khám phá công nghệ hoặc phương pháp tiếp cận mới trước khi đầu tư nỗ lực lớn hơn.

 

 

Support Request – Yêu cầu hỗ trợ: Loại issue này được sử dụng để thể hiện yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ người dùng hoặc khách hàng. Nó có thể hữu ích trong việc theo dõi và quản lý ticket loại hỗ trợ, đồng thời đảm bảo rằng các yêu cầu hỗ trợ được phản hồi kịp thời.

Technical Debt – Nợ kỹ thuật: Đây là loại issue thể hiện các vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết để cải thiện chất lượng lâu dài và khả năng bảo trì của một hệ thống. Các vấn đề về nợ kỹ thuật thường được ưu tiên và giải quyết như một phần của nỗ lực bảo trì và cải tiến liên tục.

Research – Nghiên cứu: Loại issue này đại diện cho một dự án nghiên cứu cụ thể. Các issue loại Research có thể được sử dụng để theo dõi và quản lý các dự án nghiên cứu và đảm bảo rằng kết quả được chia sẻ với các bên liên quan.

Parent issue và Child issue

Parent issue và Child issue là những thuật ngữ mô tả một loại mối quan hệ giữa các vấn đề:

Parent issue là issue nằm trên một issue khác. Ví dụ, một Sotyr được tạo thành từ các Sub-task.

Child issue là issue nằm bên dưới issue khác. Ví dụ, một Sub-task thuộc về một Task.

Có nghĩa là, mối quan hệ cha con không bị giới hạn ở các loại issue cụ thể. Thay vào đó, bất kỳ loại issue nào cũng có thể vừa là parent issue, vừa là child issue. Ngoại lệ duy nhất là các Sub-task – chúng chỉ có thể là child issue vì không có loại issue nào bên dưới nó trong hệ thống phân cấp.

Ví dụ, nếu bạn có hệ thống phân cấp như sau:

Epic
Story, Task, Bug
Sub-task

Thì:

– Là một parent issue, Epic có thể có các child issue là Story, Task và Bug.

– Là một parent issue, Task có thể có child issue là Sub-task.

– Sub-task không thể có child issue.

Mẹo sử dụng Issue Type trong Jira

– Chọn các loại issue phù hợp với quy trình làm việc của nhóm bạn. Các loại issue phải phản ánh cách loại hạng mục công việc mà nhóm cần theo dõi và quản lý, đồng thời cần được tuỳ chỉnh để phù hợp với nhu cầu cụ thể của nhóm.

– Giới hạn số loại issue bạn sử dụng. Việc có quá nhiều loại issue có thể gây khó khăn cho việc quản lý và theo dõi các hạng mục công việc một cách hiệu quả. Hãy cân nhắc hợp nhất các loại issue tương tự hoặc sử dụng các Sub-task để chia nhỏ các issue lớn thành những phần nhỏ và dễ quản lý hơn.

– Đảm bảo rằng các loại issue được sử dụng nhất quán trong nhóm hoặc tổ chức của bạn. Điều này có thể đảm bảo rằng tất cả các hạng mục công việc được phân loại đúng cách và bạn có thể tạo ra các báo cáo, cũng như số liệu chính xác về hiệu suất của nhóm.

– Kết hợp các loại issue với các tính năng khác của Jira, chẳng hạn như workflow, các trường thông tin, trạng thái, v.v để tạo ra một hệ thống chặt chẽ nhằm quản lý các hạng mục công việc một cách hiệu quả.

– Thường xuyên xem xét lại và cập nhật các loại issue nếu cần. Khi nhu cầu và quy trình của nhóm phát triển, bạn có thể sẽ cần thêm, xoá hoặc sửa đổi các loại issue để phù hợp hơn với quy trình làm việc và mức độ ưu tiên trong từng thời điểm.

Kết

Việc hiểu các loại issue khác nhau trong Jira là vô cùng cần thiết để theo dõi và quản lý các hạng mục công việc một cách hiệu quả. Mỗi loại issue có tập hợp các đặc điểm và mức độ ưu tiên riêng, điều quan trọng là bạn phải sử dụng chúng một cách thích hợp. Bằng cách sử dụng các loại mặc định và tạo các loại tuỳ chỉnh khi cần, các nhóm có thể đảm bảo rằng công việc của họ được tổ chức và theo dõi một cách hiệu quả. Thông quan việc sử dụng đúng loại issue, Jira sẽ trở thành một công cụ quản lý và cộng tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với nhóm của bạn.


Jira Guru là một series hướng dẫn của DevSamurai, với mục tiêu phổ biến kiến thức về cách dùng, cấu hình và quản trị Jira từ vỡ lòng tới nâng cao, cùng với các kiến thức bổ trợ về Quy trình Phát triển Phần mềm Linh hoạt (Agile Development) và Quản lý Dịch vụ CNTT (IT Service Management – ITSM). Jira Guru hứa hẹn sẽ hữu ích cho tất cả mọi người, từ người mới bắt đầu đến người dày dạn kinh nghiệm!

Menu