Danh sách những anh hùng thầm lặng của năm 2020 thật sự rất dài và đa dạng ngành nghề, chúng ta có thể nghĩ ngay đến những nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên bán hàng tạp hóa hay nhân viên giao hàng. Nhưng bên cạnh đó, ở một góc khuất, ngành công nghiệp công nghệ cũng đang bận rộn hơn bao giờ hết: không chỉ phải đáp ứng sự gia tăng nhu cầu, mà còn cần đổi mới để giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống gặp nhiều hạn chế giữa đại dịch.
Chúng ta đã trải qua hơn tám tháng “bình thường mới”, hãy cùng nhìn lại và xem ta đã học được gì sau 1 năm chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19. Các công ty đã làm thế nào để giải quyết những vấn đề phức tạp mới? Họ đã sử dụng những quy trình, tư duy và công cụ gì để vượt qua những thách thức mới không thể lường trước được?
5 CIO của các công ty lớn đã chia sẻ những kinh nghiệm họ có được từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Những bài học này có thể sẽ hữu ích đối với các công ty đang đau đầu để tìm ra kế hoạch giải quyết những vấn đề không mong đợi.
Dropbox: Thử thách sự nhanh nhẹn của doanh nghiệp khi thế giới chuyển sang làm việc từ xa
Sylvie Veilleux, CIO của Dropbox chia sẻ: “Tôi nghĩ về sự nhanh nhẹn của doanh nghiệp như một nhịp điệu vậy. Tất cả các nhóm đều đang chơi nhạc từ cùng một nhạc phổ, đang có cùng một nhịp điệu với nhau. Nếu một bộ phận trong doanh nghiệp của bạn cần phản ứng nhanh với cơ hội hoặc thách thức, bạn nên nỗ lực diều phối tổng thể.”
Đây là triết lý đã được áp dụng cho dịch vụ lưu trữ đám mây Dropbox trong tháng 3 và tháng 4, khi công ty nhận thấy lượng người dùng ứng dụng trên máy tính để bàn tăng 60% và số lượng yêu cầu trên nền tảng chữ ký điện tử HelloSign tăng gấp 3 lần.
Veilleux chia sẻ: “Vì sự xuất hiện của COVID-19, một khách hàng của chúng tôi làm việc trong ngành xuất bản cần nhanh chóng hỗ trợ nhân viên làm việc tại nhà. Điều vô cùng quan trọng là phải tìm ra một giải pháp phù hợp với ngành của họ, cho phép họ sử dụng các công cụ và tích hợp chúng một cách tốt nhất để duy trì hoạt động kinh doanh. Dropbox đã là một công cụ đã được sử dụng nhiều ở công ty của họ và cả toàn ngành xuất bản. Bằng cách triển khai nó trên quy mô lớn hơn, nhân viên của họ có thể bắt đầu hoạt động và cộng tác với nhau từ xa chỉ sau một ngày.”
Veilleux cho biết bà hiện vẫn đang suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra trong tương lai: “Chúng tôi phải tiếp tục thay đổi và đổi mới cách làm việc. Bỗng nhiên rơi vào tình huống buộc phải làm việc tách rời nhau hoàn toàn do đại dịch, chúng tôi nghĩ rằng sự đổi mới sẽ có những tác động lâu dài đến bản thân mình, ngay cả khi đã quay trở lại làm việc như bình thường.”
Honeywell: Đánh giá lại trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về trang phục bảo hộ
Khi làn sóng đầu tiên của các ca nhiễm COVID-19 bắt đầu đổ về các bệnh viện vào mùa xuân năm ngoái, các nhân viên y tế đã đưa ra lời cầu cứu khẩn cấp. Nguồn cung cấp mặt nạ phòng độc N95 – loại mặt nạ duy nhất có thể ngăn ngừa sự lây truyền của virus là rất ít. Các nhà cung cấp dịch vụ y tế tuyến đầu buộc phải sử dụng lại khẩu trang N95 hoặc áp dụng những biện pháp bảo vệ kém hiệu quả hơn.
Gã khổng lồ công nghệ, nhà sản xuất Honeywell đã quyết định chuyển hai cơ sở sản xuất của mình sang sản xuất mặt nạ N95. Tuy nhiên vấn đề ở đây là, việc chuyển đổi một dây chuyền sản xuất thường mất thời gian khoảng 9 tháng. Sheila Jordan, Giám đốc công nghệ số tại Honeywell phải đối mặt với một thách thức to lớn: “Trong một trường hợp khẩn cấp chưa từng có như thế này, chúng tôi phải xoay sở nhanh nhất có thể. Bằng cách phản ứng nhanh chóng trước cuộc khủng hoảng, chúng tôi đã có cơ hội sử dụng cơ sở vật chất, quy trình và chính sách của mình để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ bảo vệ cho sự an toàn của mọi người trên thế giới.”
Kết quả là Honeywell đã có thể chuyển đổi sang sản xuất mặt nạ chỉ trong vòng chưa đầy 6 tuần. Qua chặng đường này, công ty đã học được nhiều bài học kinh nghiệm có thể áp dụng trong việc thay đổi nơi làm việc.
Jordan khẳng định: “Mọi thứ bạn làm trong thế giới kỹ thuật số này đều là nhiều hơn một chức năng. Cần phải kết hợp nhiều chức năng với nhau và giải quyết vấn đề một cách tổng thể.” Ngoài ra, ông cũng chia sẻ về trải nghiệm của khách hàng: “Khi nói đến trải nghiệm của khách hàng và nhân viên, bạn cần phải hiểu những điểm có thể xảy ra mâu thuẫn. Bạn chỉ có thể mang lại trải nghiệm thành công cho khách hàng khi bạn nắm rõ quy trình kết hợp mọi thứ với nhau theo chiều rộng và trên nhiều chức năng. Cơ hội sẽ đến với bạn khi có thể kết hợp các quy trình đó lại với nhau trong khi vẫn tiếp tục cải tiến chúng. Bạn sẽ không thể làm được nhiều việc cho đến khi bạn hiểu cách chúng kết hợp với nhau để mang lại những tương tác hiệu quả hơn giữa khách hàng và nhân viên.”
Medecision: Một cách tiếp cận toàn diện với quy trình agile để bàn giao các giải pháp đã sẵn sàng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ảo
Làm thế nào để những người có nguy cơ mắc bệnh nhận được sự chăm sóc y tế liên tục mà họ cần trong quá trình cách ly? Đây là một thách thức đối với Medicision, một công ty cung cấp giải pháp quản lý sức khỏe. Và giờ đây, họ đã sẵn sàng đáp ứng.
Rick Koloski, Phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật và kiến trúc tại Medicision giải thích: “Các dịch vụ tương tác với sức khỏe ảo của chúng tôi đã được phát triển trong nhiều năm, nhưng tốc độ áp dụng chúng còn khá chậm. Mọi người thường có thói quen trực tiếp đi đến các cơ sở y tế, nhưng COVID-19 đã gây ra trở ngại lớn đối với cách thức truyền thống. Chính vì vậy, những giải pháp của chúng tôi đang được sử dụng theo cách hoàn toàn mới mẻ và sáng tạo. Nghĩ theo một cách tích cực thì có thể nói rằng thế cờ đã thay đổi trong cách mà mọi người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”
“Theo cách tương tự như một công ty công nghệ có thể sử dụng các giải pháp hợp tác và quy trình làm việc khác nhau, giải pháp của chúng tôi – Aerial giúp khách hàng quản lý các tương tác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe. Là một người quản lý trong lĩnh vực này, bạn có thể xem cả các cuộc hẹn sắp tới và các tương tác qua video hoặc văn bản một cách thống nhất. Đó cũng tương tự như cách chúng tôi triển khai sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong doanh nghiệp.”
Koloski chia sẻ thêm: “Ở quy mô doanh nghiệp, tư duy nhanh nhẹn nên được áp dụng trên cả các kỹ thuật sản phẩm, tài chính và một số lĩnh vực khác. Hãy tìm hiểu thông tin về các lĩnh vực đó và làm cho toàn bộ doanh nghiệp có khả năng thích ứng với tốc độ thay đổi mới, hay nói cách khác là đi từ mô hình phát triển phần mềm linh hoạt (agile) thông thường đến sự linh hoạt thật sự của bản thân doanh nghiệp.”
ACI: Tầm nhìn toàn cầu cho phép các cá nhân và doanh nghiệp truy cập nguồn tiền nhanh chóng hơn
Tác động kinh tế của đại dịch trở nên mạnh mẽ vào đầu xuân năm ngoái. Mitesh Mehta, Phó chủ tịch phụ trách CNTT tại ACI Worldwild chia sẻ: “Việc tiếp cận nhanh hơn với các nguồn vốn dành cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”
ACI là một công ty chuyên về hệ thống thanh toán, họ đã xử lý hơn 500 triệu giao dịch thanh toán hóa đơn mỗi năm. Công ty nhanh chóng nhận ra nhu cầu tăng cường các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số không tiếp xúc của mình. Mehta nói: “Nhu cầu về các phương thức giao tiếp kỹ thuật số, hoãn thanh toán và kế hoạch thanh toán là cực kỳ cấp thiết, nhằm giúp khách hàng của chúng tôi hỗ trợ người tiêu dùng của họ tốt hơn trong những vấn đề tài chính bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Các giải pháp này cũng giúp giảm số lượng các cuộc gọi đến trung tâm hỗ trợ, nhờ sự có mặt của những điểm truy cập kỹ thuật số tự động hóa như điện thoại thông minh và ví di động.”
Mehta nói thêm: “Về cơ bản, đây là ý tưởng về giao dịch từ xa, giữa con người với nhau hoặc giữa con người và hệ thống. Các quy trình và giao dịch vẫn chưa được số hóa bất chấp sự đổi mới công nghệ trong 25 năm qua đã trở thành mục tiêu của số hóa trong một sớm một chiều. Từ các giao dịch đơn giản như ký kết tài liệu, cho đến các giao dịch lớn của doanh nghiệp đang bắt đầu được thực hiện từ xa mà không cần một cái bắt tay nào.”
“Khả năng phục hồi và chịu lỗi hiện đang là những yếu tố cực kỳ quan trọng, trong khi khả năng duy trì hoạt động trong suốt các cuộc khủng hoảng địa phương hoặc toàn cầu không còn là yếu tố nên có dành riêng cho các tập đoàn lớn nhất. Các công nghệ phù hợp được thực hiện bởi các chuyên gia trong ngành đã mang lại các thực hành tốt nhất (best practices) được chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu có thể thực sự mang tính chuyển đổi.”
NTT: Ưu tiên độ chính xác hơn tốc độ để tăng cường khả năng phản hồi của khách hàng
Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông NTT, hiện đang có mặt tại 57 quốc gia với 6000 khách hàng trên khắp thế giới, đã quen với việc hỗ trợ các doanh nghiệp về các hoạt động CNTT và nhu cầu cơ sở hạ tầng của họ trong nhiều bối cảnh và điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, COVID-19 lại là một tình huống phức tạp hoàn toàn mới.
John Andrews, Phó chủ tịch phụ trách Thiết kế và phát triển dịch vụ của NTT cho biết: “Đó không chỉ là vấn đề về tốc độ. Đó là về cách chúng tôi phản ứng với các tác động từ thị trường, các hoạt động cạnh tranh và những tiến bộ trong công nghệ. Nó có khả năng xoay vòng, kiên trì hoặc dừng lại đúng lúc với độ trễ tối thiểu. Đây là lúc sự linh hoạt thật sự phát huy tác dụng và đó là một thực tiễn sống còn, quan trọng đối với bất kỳ tổ chức nào.”
Andrews chia sẻ thêm: “COVID-19 đã thực sự làm rõ ý nghĩa và mức độ liên quan của sự linh hoạt đối với doanh nghiệp, cùng với những hành động có thể được coi là thúc đẩy nó. Có thể cung cấp các dịch vụ cho khách hàng của chúng tôi và cho phép họ duy trì hoạt động của mình là một điều tuyệt đối bắt buộc. Chúng tôi đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong các quy trình và hoạt động, và điều này đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số theo những các mà chúng tôi không thể lường trước được.”
Cuối cùng, ông kết luận: “Tham vọng của chúng tôi là tất cả chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này và trở nên mạnh mẽ hơn. Hãy hình dung lại những gì có thể, phục hồi – và phát triển.”
Nguồn: Atlassian Blog