Đây là bài viết của một nhà thiết kế tại Atlassian, chia sẻ cách mà cô đã đã áp dụng quy trình thiết kế sản phẩm toàn diện để giải quyết mái tóc xoăn đuôi của mình và khơi gợi sự đồng cảm với sự đa dạng văn hóa. Phần 1 của bài viết được đăng tại đây.

Phác thảo kết quả mong muốn

Sự thành công trông như thế nào? Làm cách nào để có thể đo lường nó?

Bây giờ khi đã hiểu bối cảnh, chúng ta có thể bắt đầu xem xét thế giới hoàn hảo có thể trông như thế nào. Thành công có ý nghĩa gì đối với tôi? Làm thế nào để đo lường xem tôi đã đạt được mục tiêu của mình hay chưa? Ở đây, điều đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo có được một định nghĩa rõ ràng.

Đây là kết quả mong muốn của tôi: Mái tóc khỏe và một thói quen chăm sóc tóc bền vững.

Bây giờ, tôi có thể đảm bảo rằng mỗi độc giả đọc bài viết này sẽ có một cách hiểu khác nhau về câu nói trên. Khi tạo ra những kết quả mong muốn này, điều quan trọng là phải xác định được một từ, hoặc cụm từ có ý nghĩa mơ hồ và được hiểu theo nhiều cách. Bằng cách đó, chúng ta không chỉ giảm thiểu rủi ro lệch khỏi trọng tâm, mà còn tạo ra một cách tự nhiên để xác định và đo lường thành công.

Tôi có thể nói rằng tôi mong muốn mái tóc mình khỏe mạnh, nhưng chính xác thì điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là tóc tôi đi đến phòng tập 3 lần mỗi tuần? Hay không? Sau đó, chúng ta cần chia nhỏ từ này nhiều hơn để cắt nghĩa rõ ràng trong ngữ cảnh này. Tôi biết tóc của mình khỏe mạnh khi:

  • Nó ẩm: Tóc của tôi mềm mại, linh hoạt và chuyển động tự do.
  • Mạnh mẽ: Tóc của tôi không bị gãy và có thể được tạo kiểu mà không bị đau hoặc hư tổn.

Bây giờ, chúng ta đã có một định nghĩa rõ ràng về khỏe mạnh và cách chúng ta có thể đo lường nó tốt nhất. Tiếp theo, hãy áp dụng phương pháp tương tự cho thuật ngữ bền vững:

  • Tiết kiệm chi phí: Tôi có thể thực hiện cùng một thói quen chăm sóc tóc trong một khoảng thời gian hợp lý mà không bị hết tiền.
  • Tối ưu hóa thời gian: Thói quen của tôi không quá khó khăn đến mức phải dành hàng giờ mỗi ngày cho mái tóc của mình, nhưng cũng không quá ngắn, có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của mái tóc.

Bây giờ, hãy kết hợp mục tiêu và những phân tích trên để tạo thành câu hỏi Làm thế nào để chúng ta…? (How Might We?). Các câu hỏi HMW là một cách tuyệt vời để xác định khung vấn đề ngụ ý sự linh hoạt và bắt buộc phải hành động, sao cho luôn có khả năng tồn tại nhiều giải pháp nhưng vẫn đủ hẹp để thiết lập các giới hạn phù hợp.

Một HMW trong trường hợp này:

“Làm thế nào để chúng ta (hay tôi) xây dựng một thói quen bền vững được tối ưu hóa để tạo ra một mái tóc khỏe mạnh?”

Một lần nữa, điều rất quan trọng là phải xác nhận với khách hàng (chính là tôi) và đảm bảo rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Điều này có thể đơn giản như yêu cầu họ phản hồi trực tiếp cho câu hỏi: Tôi có bỏ sót điều gì không?

Tại thời điểm này, chúng ta đã có một ý tưởng rõ ràng về việc thành công sẽ trông như thế nào, cùng với cách đo lường nó. Thông tin này được đóng khung bằng một câu hỏi HMW có thể đưa vào hành động.

Thu thập những dữ liệu với trung tâm là các giải pháp

Trong tình huống tương tự, những người khác đã giải quyết những vấn đề tương tự như thế nào?

Bây giờ đã đến lúc khám phá các giải pháp. Một cách thức để thực hiện việc này là tìm hiểu và xem xét những cách giải quyết trước đây cho vấn đề này. Chúng ta có thể xem xét các tình huống tương tự, tự hỏi tại sao các giải pháp đó lại được chọn, đánh giá những gì đã và chưa được thử, cũng như cân nhắc những gì có thể hoạt động tốt nhất trong bối cảnh của riêng mình.

Một điều quan trọng nữa chính là xác định những tình huống nào không có lượng ngữ cảnh thích hợp nhưng vẫn cần được xem xét. Việc xem video về một ai đó đang duỗi tóc có thể sẽ hữu ích, nhưng đó không phải chính xác những gì tôi đang tìm kiếm. Tôi không cần duỗi tóc mà chỉ cần giữ cho tóc khỏe. Nhìn lại thế giới lý tưởng của chúng ta, tập trung vào sức khỏe và tính bền vững như đã xác định – là một cách đơn giản để ước lượng mức độ phù hợp của một giải pháp. Với mỗi ý tưởng có được, chúng ta phải tự hỏi bản thân: Ta có tin rằng nó sẽ giúp hướng đến thế giới lý tưởng của mình không? Và nếu có thì làm thế nào?

Thật may mắn, chúng ta có Internet. Internet sẽ giúp bạn dễ dàng tìm hiểu và tìm ra giải pháp cho các vấn đề tương tự. Và có rất nhiều tình huống khi mọi người chăm sóc mái tóc của họ. Cũng có những tình huống ít liên quan đến tóc nhưng đáng để lưu ý. Chẳng hạn như lớp biểu bì là thứ tạo nên móng tay và da của ta. Do đó, nếu ta xem xét cách chăm sóc móng và da, ta có thể tìm ra được giải pháp ở đó.

Bây giờ, điều quan trọng là chúng ta không chỉ sao chép một cách mù quáng một giải pháp. Đầu tiên, ta phải tự hỏi bản thân mình, tại sao giải pháp đó lại được áp dụng và nó phục vụ cho mục đích gì. Lấy ví dụ về giấm táo, thường được pha loãng với nước để tạo thành nước xả tóc vì tóc có tính axit tương đối cao. Khi gội đầu bằng nước, ta kéo tóc ra khỏi độ pH tự nhiên của nó. Sau đó, bằng cách xả bằng giấm táo, ta có thể giúp tóc trở lại trạng thái có tính axit vốn có. Điều này giúp lớp biểu bì của tóc hoạt động bình thường và giữ cho da đầu sạch sẽ. Rất tuyệt đúng chứ?

Một kỹ thuật khác là tận dụng nhiệt độ của nước để tác động lên lớp biểu bì. Lớp biểu bì có thể được so sánh như những cánh cửa nhỏ dọc theo thân tóc. Khi mở, chúng có thể cho hơi ẩm thấm vào và thoát ra ngoài. Còn khi đóng, chúng khóa chặt bất cứ thứ gì bên trong. Nước ấm mở ra các lớp biểu bì, giúp tóc hấp thụ tối đa độ ẩm. Nước mát đóng lớp biểu bì và giữ độ ẩm này lại. Do đó, nếu chúng ta làm ướt tóc bằng nước ấm trước khi thoa kem xả rồi dùng nước lạnh để xả tóc, chúng ta có thể giữ ẩm cho tóc lâu hơn.

Tạo ra những giải pháp lấy giả thuyết làm trung tâm

Chúng ta tin rằng những giải pháp nào sẽ giải quyết được vấn đề? Chúng ta mong đợi những ảnh hưởng gì từ chúng và tại sao?

Khi đã tìm ra các giải pháp mà chúng ta muốn thử, điều quan trọng là phải xác định rõ mục đích của chúng, và chúng đang giải quyết phần nào của vấn đề. Việc này có thể được thực hiện theo công thức sau:

Đặt giả thuyết rằng (giải pháp) sẽ giải quyết (vấn đề) bằng cách (tạo ra ảnh hưởng mong muốn)

Hãy áp dụng công thức một cách cụ thể. Với các giải pháp được đưa ra ở trên, chúng ta có giả thuyết rằng:

  • Điều trị bằng protein thường xuyên (giải pháp) sẽ giải quyết (vấn đề) khô cứng mãn tính bằng cách củng cố cấu trúc tóc theo thời gian (ảnh hưởng mong muốn).
  • Giấm táo sẽ giúp cung cấp độ ẩm bằng cách cân bằng độ pH và làm sạch bề mặt da đầu.
  • Xả tóc bằng nước mát giúp khóa ẩm bằng cách đóng lớp biểu bì dọc theo thân tóc.

Bài tập này có thể quá tải, nhưng rất quan trọng để xây dựng sự hiểu biết chung về những giải pháp mà chúng ta đang thử và lý do tại sao chúng ta thử nó. Đừng quên liên tục xác nhận với khách hàng của bạn và đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng.

Triển khai, lặp lại và đơn giản hóa

Các giải pháp chúng ta đề xuất có tạo ra ảnh hưởng như mong muốn không?

Bây giờ mới là phần thú vị: Thử các giải pháp được đề xuất. Ở giai đoạn này, chúng ta có các giả thuyết của mình và đã đến lúc kiểm tra chúng, đối chiếu với mục tiêu và thực hiện điều chỉnh. Giai đoạn này có tính chu kỳ: đưa ra giải pháp, thử nghiệm và điều chỉnh.

Tùy thuộc vào vấn đề của bạn, bạn có thể thử các bản prototype có độ trung thực thấp (low-fidelity), thực hiện nhập vai, phỏng vấn khách hàng, v.v. Hãy sáng tạo trong việc tìm cách xác nhận giải pháp của bạn. Và hãy nhớ rằng đây không phải là về bạn, mà là về khách hàng của bạn (trừ khi bạn chính là khách hàng của bản thân). Bởi nếu không may khi giải pháp không phù hợp với khách hàng mục tiêu của mình, thì những công việc khó khăn bạn đã thực hiện đều sẽ trở nên vô ích.

Trong trường hợp của tôi, đây là vấn đề của việc mua một loạt các sản phẩm và dùng thử chúng. Về cơ bản, tôi đã trở thành một người nghiện sản phẩm. Một số sản phẩm cung cấp protein rất tốt, nhưng lại khiến mái tóc tôi nặng nề. Những loại dưỡng ẩm tốt thì lại quá đắt. Ngoài ra, một số phương pháp hoàn toàn không hiệu quả và một số lại tốn quá nhiều thời gian.

Xác định những gì không hoạt động và đặt nó sang một bên, nhưng chớ vứt bỏ nó. Những gì không hoạt động ngày hôm nay có thể trở nên cần thiết vào ngày mai.

Khi tôi cuối cùng cũng đã phát hiện ra điều gì phù hợp với mình, tôi đã tối ưu hóa thói quen chăm sóc tóc của mình và khiến nó trở nên đơn giản. Tìm ra sản phẩm hiệu quả, tìm cách sử dụng chúng để tôi có thể thực hiện quy trình nhanh chóng nhưng không làm giảm hiệu quả.

Cuối cùng, tôi đã tìm ra quy trình này:

  1. Thoa dầu ấm trực tiếp lên da đầu để đưỡng ẩm.
  2. Gội đầu bằng nước ấm để mở lớp biểu bì.
  3. Dưỡng tóc bằng hỗn hợp protein trộn với dầu xả. Che tóc bằng mũ nhựa và sử dụng nhiệt từ máy sấy tóc để giữ lớp biểu bì mở.
  4. Xả sạch tóc bằng nước mát để đóng lớp biểu bì.
  5. Thoa đều một lớp dầu xả nhẹ.
  6. Thoa đều một loại dầu nhẹ (chẳng hạn như hạnh nhân hoặc dừa) để làm mịn lớp biểu bì và giữ ẩm.

Xác định các lĩnh vực cần cải tiến

Chúng ta có thể cải thiện ở những điểm nào?

Bây giờ, tôi đã có một thói quen xác định. Hay nói cách khác, sản phẩm của tôi đã được tung ra thị trường.

Tuy nhiên, công việc của tôi vẫn chưa kết thúc, và công việc của bạn cũng vậy. Tôi luôn dành thời gian để xem xét lại thói quen của mình, cân nhắc ảnh hưởng của nó so với mục tiêu của tôi và thực hiện các điều chỉnh để giữ mình đi đúng hướng. Các sản phẩm mới được phát hành liên tục, và sản phẩm tôi sử dụng cũng có thể thay đổi thành phần. Ngày càng có nhiều phương pháp và thói quen được chia sẻ rộng rãi. Tôi đã dành ra 7 năm để làm công việc này, nhưng tôi vẫn đang học hỏi và lặp đi lặp lại cho đến bây giờ. Đó là một quá trình học hỏi không ngừng và nó đặc biệt thú vị.

Kết luận

Hãy nhớ trau dồi tính tò mò và sự kiên trì để hiểu biết mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong suốt quá trình đó, hãy giữ một tâm trí cởi mở. Những bất ngờ, những khúc mắc là không thể tránh khỏi, nhưng đó cũng là những điều tốt! Và hãy liên tục kiểm tra các giả định với những hiểu biết sâu sắc có được từ nghiên cứu.

Trong công việc của mình với tư cách là một người thiết kế sản phẩm, tôi muốn dành phần lớn thời gian của mình khi bắt đầu quá trình thiết kế, thiết lập một nền tảng vững chắc và dựa trên sự hiểu biết để khám phá và xây dựng các giải pháp. Bởi rốt cuộc, nếu tôi không hiểu vấn đề một cách đầy đủ, giải pháp tôi đưa ra sẽ không thể phù hợp với nó.

Và hãy nhớ rằng, chúng ta sẽ rất hiếm khi trở thành khách hàng của chính mình! Khách hàng của ta ở một nơi nào đó trong thế giới này, hoạt động trong bối cảnh cụ thể của họ. Chúng ta không thể cho rằng những gì phù hợp với mình cũng sẽ phù hợp với họ, đặc biệt khi nhân khẩu học của ta và họ không tương đồng. Ví dụ: nếu đang tạo ra một sản phẩm thực tế giúp thanh thiếu niên trang trí phòng của họ, ta không thể cho rằng những gì ta thích (nếu ta là người lớn tuổi) sẽ phù hợp với sở thích của thanh thiếu niên. Trong trường hợp chăm sóc tóc cụ thể này, tôi là khách hàng của chính mình và điều đó đã khiến cho mọi thứ trở nên đơn giản hơn.

Một trong những điều quan trọng nhất về thiết kế sản phẩm – và sự đa dạng – chính là học cách bước ra ngoài bản thân và xem xét nhu cầu của một người, hoặc một nhóm người mà chúng ta không quen thuộc. Bên cạnh đó, tôi khuyến khích bạn nuôi dưỡng và xây dựng những tế bào đồng cảm trong cơ thể mình.

Nguồn: Atlassian Blog

Menu