Về cơ bản, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là lập trình máy học đòi hỏi học hỏi và thích ứng. Nó không thể giải quyết mọi vấn đề, nhưng tiềm năng của nó trong việc cải thiện cuộc sống của chúng ta là rất lớn. Google đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm cho các sản phẩm trở nên hữu ích hơn – từ email không spam và dễ soạn thảo hơn, đến trợ lý kỹ thuật số mà bạn có thể nói chuyện một cách tự nhiên và những bức ảnh làm nổi bật nội dung thú vị để bạn thưởng thức.

Ngoài các sản phẩm của mình, Google còn sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp mọi người giải quyết các vấn đề cấp bách. Những học sinh chế tạo các cảm biến được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo để dự đoán nguy cơ cháy rừng. Nông dân sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo để theo dõi sức khỏe đàn gia súc của họ. Các bác sĩ đang bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán ung thư và ngăn ngừa mù lòa. Những lợi ích rõ ràng này chính là lý do Google đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, đồng thời cung cấp cung cấp rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạocho những nhà phát triển bởi các công cụ và mã nguồn mở của họ.

Song, những công nghệ mạnh mẽ như vậy đặt ra những câu hỏi quan trọng không kém về cách sử dụng nó. Việc trí tuệ nhân tạo được phát triển và sử dụng như thế nào sẽ có tác động đáng kể đến xã hội trong nhiều năm tới. Là người đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Google đã công bố bảy nguyên tắc định hướng công việc của họ để thể hiện trách nhiệm sâu sắc trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào những mục tieu đúng đắn. Đây không phải là những khái niệm lý thuyết, mà là những tiêu chuẩn cụ thể chi phối việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Google, đồng thời tác động đến những quyết định kinh doanh của họ.

Google chia sẻ họ thừa nhận sự năng động của lĩnh vực này, và cam kết sẽ tiếp cận nó một cách khiên tốn, gắn kết bên trong và bên ngoài, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh cách tiếp cận dựa trên những kinh nghiệm học được theo thời gian.

Mục tiêu cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Google đánh giá các ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo các mục tiêu dưới đây:

1. Có lợi cho xã hội

Phạm vi của các công nghệ mới này đang ngày càng mở rộng và lan tỏa trên toàn xã hội. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động đến sự biến đổi trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, an ninh, năng lượng, giao thông, sản xuất và giải trí. Khi xem xét sự phát triển và tiềm năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo, Google tính đến một loạt các yếu tố xã hội và kinh tế. Họ sẽ hành động khi họ tin rằng lợi ích tổng thể có thể vượt qua đáng kể những rủi ro và nhược điểm dự trước.

Trí tuệ nhân tạo cũng nâng cao sự hiểu biết về nội dung trên quy mô lớn của Google. Họ sẽ cố gắng cung cấp thông tin chất lượng cao và chính xác bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời tôn trọng các quy tắc văn hóa, xã hội và luật pháp ở những quốc gia nơi các ứng dụng hoạt động. Ngoài ra, Google vẫn duy trì đánh giá một cách cẩn thận về thời điểm cung cấp các ứng dụng của mình cho mục đích phi thương mại.

2. Tránh tạo ra hoặc củng cố các thành kiến không công bằng

Các thuật toán và bỗ dữ liệu của trí tuệ nhân tạo có thể phản ánh, củng cố hoặc giảm bớt những thành kiến không công bằng. Việc phân biệt sự công bằng với những thành kiến không công bằng không phải lúc nào cũng đơn giản, và có sự khác nhau giữa các nền văn hóa. Họ cố gắng tránh những tác động không chính đáng đến mọi người, đặc biệt là những người liên quan đến các đặc điểm nhạy cảm như chủng tộc, giới tính, quốc tịch, thu nhập, khuynh hướng tính dục, khả năng và niềm tin chính trị hoặc tôn giáo.

3. Được chế tạo và thử nghiệm về độ an toàn

Google luôn phát triển và áp dụng các biện pháp an toàn và bảo mật mạnh mẽ để tránh tạo ra các nguy cơ gây hại từ những kết quả không mong muốn. Họ sẽ thiết kế hệ thống trí tuệ nhân tạo của mình thận trọng một cách thích hợp và tìm cách phát triển chúng theo các phương pháp tốt nhất đúc kết từ những nghiên cứu về an toàn trí tuệ nhân tạo. Trong một số trường hợp, họ sẽ kiểm tra công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các môi trường hạn chế và giám sát hoạt động của chúng sau khi triển khai.

4. Có trách nhiệm với mọi người

Google sẽ thiết kế các hệ thống trí tuệ nhân tạo mang lại cơ hội thích hợp cho các phản hồi, giải thích và kháng nghị có liên quan. Các công nghệ trí tuệ nhân tạo của Google tuân theo sự chỉ đạo và kiểm soát của con người.

5. Kết hợp các nguyên tắc quyền riêng tư

Google kết hợp các nguyên tắc bảo mật của mình trong việc phát triển và sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, bằng cách tạo ra các thông báo, cơ hội để đồng ý hoặc không đồng ý, khuyến khích các kiến trúc có cơ chế bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời cung cấp sự minh bạch và kiểm soát thích hợp đối với việc sử dụng dữ liệu.

6. Đề cao các tiêu chuẩn khoa học xuất sắc

Đổi mới công nghệ bắt nguồn từ phương pháp khoa học, Google cam kết mở ra yêu cầu nghiên cứu với sự nghiêm túc về trí tuệ, tính chính trực và sự cộng tác. Các công cụ trí tuệ nhân tạo có tiềm năng mở ra các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và kiến thức mới trong các lĩnh vực quan trọng như hóa học, y học và khoa học môi trường. Google mong muốn đạt được các tiêu chuẩn cao về khoa học để thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Họ đã làm việc với nhiều bên liên quan để thúc đẩy sự lãnh đạo chu đáo trong lĩnh vực này, dựa trên các phương pháp tiếp cận đa ngành và chặt chẽ về mặt khoa học. Hơn nữa, họ chia sẻ các kiến thức về trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm bằng cách xuất bản các tài liệu giáo dục, các phương pháp tốt nhất và nghiên cứu cho phép nhiều người phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hữu ích.

7. Sử dụng một cách phù hợp với các nguyên tắc này

Càng nhiều công nghệ thì càng có nhiều mục đích sử dụng. Google cố gắng hạn chế các ứng dụng có khả năng gây hại hoặc bị lạm dụng. Khi phát triển và triển khai các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Google đánh giá khả năng sử dụng của chúng dựa trên các yếu tố sau:

  • Mục đích chính và mục đích sử dụng: mục đích chính và khả năng sử dụng một công nghệ hoặc ứng dụng, bao gồm mức độ liên quan chặt chẽ của giải pháp hoặc khả năng thích ứng với việc sử dụng có hại.
  • Bản chất và tính độc đáo.
  • Quy mô: việc sử dụng công nghệ này có đem lại tác động đáng kể hay không.
  • Bản chất sự tham gia của Google: công nghệ được cung cấp cho mục đích chung, tích hợp các công cụ cho khách hàng, hay phát triển các giải pháp tùy chỉnh?

Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà Google sẽ không theo đuổi

Ngoài các mục tiêu trên, Google tuyên bố sẽ không thiết kế hoặc triển khai trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực ứng dụng sau:

  • Công nghệ gây hại hoặc có khả năng gây hại về tổng thể. Trong trường hợp có nguy cơ gây hại nghiêm trọng, Google sẽ chỉ tiến hành khi họ tin rằng lợi ích lớn hơn rủi ro về cơ bản, và sẽ kết hợp các ràng buộc an toàn thích hợp.
  • Vũ khí hoặc công nghệ khác có mục đích hoặc cách thực hiện chính là gây thương tích cho con người.
  • Công nghệ thu thập hoặc sử dụng thông tin để giám sát, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế.
  • Công nghệ có mục đích trái với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế chấp nhận và các quyền con người.

Google chỉ rõ rằng mặc dù họ không phát triển trí tuệ nhân tạo để sử dụng trong vũ khí, nhưng họ vẫn duy trì công việc với các chính phủ và quân đội trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm: an ninh mạng, đào tạo, tuyển quân, chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh và tìm kiếm cứu nạn. Những sự hợp tác này rất quan trọng và Google tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp hơn để tăng cường các công việc quan trọng của những tổ chức này, đồng thời giữ an toàn cho các thành viên của tổ chức và công dân nói chung.

Trí tuệ nhân tạo trên chặng đường dài

Mặc dù đây là cách Google đang lựa chọn để tiếp cận trí tuệ nhân tạo, nhưng họ cũng hiểu rằng có rất nhiều ý kiến khác nhau trong lĩnh vực này. Khi phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, họ sẽ làm việc với nhiều bên liên quan để thúc đẩy khả năng lãnh đạo chu đáo trong lĩnh vực này, dựa trên các phương pháp tiếp cận đa ngành và chặt chẽ về khoa học. Bên cạnh đó, họ cũng đảm bảo sẽ tiếp tục chia sẻ những kiến thức đã học được để cải thiện các công nghệ và giải pháp trí tuệ nhân tạo.

Google tin rằng những nguyên tắc này là nền tảng phù hợp cho công ty họ nói riêng và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong tương lai nói chung. Cách tiếp cận này phù hợp với các giá trị được nêu trong Founders’ Letter năm 2004. Trong đó, Google đã chỉ rõ tầm nhìn của mình là viễn cảnh dài hạn, ngay cả khi phải chấp nhận đánh đổi ngắn hạn.

“Khi ấy chúng tôi nói. Giờ đây, chúng tôi tin tưởng.”

Google

Nguồn: Google Cloud Blog

Menu