Một quy trình Agile được thực hiện tốt ở cấp độ nhóm là nền tảng để phát triển phần mềm linh hoạt hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, các mục tiêu kinh doanh và thị trường mong muốn, một việc quan trọng và cần thiết là phải khiến cho công việc hằng ngày của nhóm phù hợp với các mục tiêu chiến lược của tổ chức.

Trong phần dưới đây, hãy cùng tìm hiểu cách kết nối hoạt động nhóm với chiến lược kinh doanh theo hướng tối đa hoá sự nhanh nhẹn của toàn tổ chức.

Kết nối chiến lược kinh doanh với thực tế phát triển

Kết nối mục tiêu kinh doanh với phát triển nhanh nhẹn

Chìa khoá để điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với những gì đang diễn ra trên tuyến đầu của sự phát triển là xác định rõ ràng các chủ đề (themes), mục tiêu (goals) và chỉ số đo lường (metrics).

  • Các chủ đề là các lĩnh vực lớn về công việc liên quan, được xác định trong một khoảng thời gian và tập trung vào một kết quả cụ thể. Ví dụ, một chủ đề có thể là sắp xếp hợp lý luồng giỏ hàng trong hai quý tới. Các chủ đề là hệ quy chiếu quan trọng cho các nhóm, đóng vai trò kiểm tra xem liệu công việc của họ có đóng góp vào sự tiến bộ của các sáng kiến kinh doanh hay không. Quản lý công việc theo chủ đề cũng giúp ban quản lý nhận thức được liệu các tài nguyên được phân bổ có đủ để phát triển thành công hay không, hoặc liệu các chủ đề đã đủ hay chưa.
  • Các mục tiêu và chỉ số xác định một trạng thái mong muốn cụ thể và có thể đo lường được trong tương lai. Trong quản lý danh mục đầu tư Agile, các mục tiêu chung của toàn công ty cung cấp bối cảnh cho các chủ đề và có thể được chia thành các mục tiêu phụ để thúc đẩy các hành động có thể đo lường được ở tất cả các cấp của tổ chức. Ví dụ: giảm 20% số lượng giỏ hàng bị bỏ quên.

Mẹo xác định các chủ đề, mục tiêu và chỉ số hiệu quả

  • – Chỉ tập trung vào một số chủ đề được xác định rõ ràng. Càng đơn giản càng tốt (lý tưởng là 5 hoặc ít hơn).
  • – Đảm bảo mọi người trong tổ chức có thể gọi tên các chủ đề cốt lõi hiện tại.
  • – Đặt một mục tiêu chính cho mỗi chủ đề và đo lường mục tiêu đó bằng một chỉ số chính.
  • – Điều chỉnh các mục tiêu toàn công ty cho từng cấp độ của tổ chức để hỗ trợ chiến lược của công ty.
  • – Đặt mục tiêu lớn, nhưng có thể đạt được.

Sau khi các chủ đề, mục tiêu và chỉ số cấp cao nhất được xác định, các phòng ban và nhóm có thể xác định các mục tiêu phụ cụ thể, thậm chí là các sáng kiến chính của họ, từ các chủ đề. Các mục tiêu phụ và các sáng kiến chính giúp xác định các tính năng và/hoặc dự án của sản phẩm. Do đó, mỗi nhóm phần mềm nên hiểu rằng mọi tác vụ đơn lẻ đều đóng góp vào các mục tiêu và chủ đề. Nói cách khác, họ nên nhận thức được tầm quan trọng của công việc đối với chiến lược tổng thể.

Framework trên phục vụ hai mục đích:

  • – Tập trung thời gian vào những gì quan trọng nhất và tránh lãng phí tài nguyên cho những việc không phải mục tiêu.
  • – Tạo ra bối cảnh khiến mỗi thành viên trong nhóm cần đưa ra các quyết định đúng đắn mỗi ngày.

Một tổ chức không thể đạt được các mục tiêu của mình nếu không tập trung vào các tài nguyên. Thêm vào đó, cho dù thực hiện bất kỳ loại công việc nào, mỗi ngày các các nhân đều đưa ra vô số quyết định đánh đổi về cách thức hoàn thành nhiệm vụ. Các nhà quản lý không thể và không nên tham gia vào các quyết định ở cấp vi mô này. Ban quản lý chỉ có thể cung cấp các thông tin và môi trường phù hợp để trao quyền cho các cá nhân hành động vì lợi ích tốt nhất của mục tiêu chung.

Lưu ý: Các framework khác nhau sử dụng các thuật ngữ khác nhau cho các mục đích tương tự. OKRs (objectives and key results) là một framework phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực thi hiệu quả quan trọng hơn framework hay thuật ngữ nhóm bạn sử dụng.

Bài học rút ra và các bước tiếp theo

Kết nối sự phát triển từng ngày với chiến lược kinh doanh là một quá trình hai chiều. Nhìn từ tổng thể, điều cần thiết là đặt ra các ranh giới và lĩnh vực để các nhóm tập trung vào. Các lĩnh vực trọng tâm này bắt nguồn trực tiếp từ kế hoạch kinh doanh và chiến lược tổng thể của công ty. Đối với mỗi lĩnh vực trọng tâm, cần có một mục tiêu cuối cùng được xác định rõ ràng và có thể đo lường được. Ở cấp độ các nhóm, hãy đảm bảo rằng mọi người đều biết những chủ đề và mục tiêu mà tất cả các nhiệm vụ đang đóng góp vào. Hãy làm dấy lên lo ngại nếu bạn không thấy rõ điều này, vì đó là dấu hiệu cho thấy đang có sai sót trong mục tiêu hoặc các nhóm đang thiếu tập trung. 

Roadmap (lộ trình sản phẩm) là một điểm bắt đầu thích hợp. Roadmap buộc chủ sở hữu sản phẩm phải suy nghĩ nghiêm túc về cách các epic và user story đóng góp vào chiến lược kinh doanh, và về tầm quan trọng của các lĩnh vực công việc cụ thể. Chủ đề cũng hỗ trợ bạn theo dõi các khoản đầu tư tài nguyên khi bắt đầu dự án. Hãy theo dõi các khoản đầu tư vào mỗi chủ đề mới trên lộ trình để đảm bảo rằng tất cả các chủ đề đều được tài trợ tốt và đang hướng đến thành công.

Nhìn chung, bí quyết là thúc đẩy các cuộc trò truyện liên tục và những suy ngẫm về công việc, đồng thời định hướng ổn định đến mục tiêu dài hạn hơn là mải mê trong công việc chiến thuật hằng ngày.

Theo Atlassian

Menu