Những gì trông giống như hỗn loạn và biến động lại thực sự là một cơ hội để tuần hoàn. Dưới đây là chia sẻ và trải nghiệm của tác giả Sarah Goff-Dupont.
Chúng ta đã trải qua nhiều tuần khủng hoảng vì COVID-19 và mọi chuyện vẫn thật sự hỗn loại đối với tôi. Một phần trong đó là việc phải cố gắng làm việc tại nhà trong khi trông coi một đứa trẻ 6 tuổi và một đứa 9 tuổi, và một phần khác là cố gắng đáp ứng tất cả các khuyến nghị và yêu cầu phòng dịch từ cơ quan y tế. Tuy nhiên, lý do chính khiến tôi cảm thấy hỗn loạn chính là sự không chắc chắn.
Vào những lúc như thế này, chúng ta bị thôi thúc phải áp đặt trật tự – ngay cả khi trật tự đó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của ta. Chúng ta cần cách để hiểu về những điều đáng lo ngại mà chúng ta quan sát được. Các phương pháp để ổn định tinh thần là những gì chúng ta đọc được trên tin tức. Một khuôn mẫu (framework). Một số người có thể tìm đến các văn bản tôn giáo để tìm kiếm điều này, nhưng với tư cách là một Scrum Master và một mọt sách, tôi đã suy nghĩ về Tuyên ngôn Agile.
Cổ hủ? Có thể. Nhưng hãy lắng nghe ý kiến của tôi để xem rằng liệu bạn có cảm thấy một chút thoải mái trong đó không. Vì chắc chắn rằng, bạn có thể lựa chọn cách nhìn nhận những thay đổi gần đây trong cuộc sống của mình. Tôi thích xem chúng là sự tuần hoàn.
Cốt lõi của các phương pháp linh hoạt (agile) là khả năng thích ứng. Nếu quy trình làm việc không hoạt động? Hãy cải thiện nó. Nếu kế hoạch dự án đã kéo dài cả năm đi lệch hướng? Hãy lập kế hoạch trong khoảng thời gian ngắn hơn! Nếu Tuyên ngôn Agile được viết ngày hôm nay, tôi tin rằng nó sẽ trông như thế này:
Chúng tôi đang khám phá những cách làm việc và sống như một cộng đồng toàn cầu. Thông qua những kinh nghiệm được chia sẻ này, chúng tôi đã nhận ra giá trị:
- Các mối quan hệ thay vì các quy trình
- Tính xác thực và trách nhiệm giải trình thay vì đánh bóng và hứa hẹn
- Hợp tác thay vì cạnh tranh
- Khả năng đáp ứng thay đổi hơn là tuân theo một kế hoạch
Hay nói cách khác, mặc dù vẫn coi trọng những giá trị bên phải, nhưng chúng ta tập trung vào các giá trị bên trái nhiều hơn.
Các mối quan hệ thay vì các quy trình
Quá trình và quy trình làm việc rất mong manh vì toàn bộ hệ thống có thể bị hỏng khi bất cứ phần nào bị can thiệp. Các mối quan hệ thì ngược lại, rất bền chặt. Khác với sự mong manh của quy trình, các mối quan hệ thực sự có thể trở nên mạnh mẽ khi đối mặt với áp lực. Mặc dù chúng ta thường không nghĩ về các mối quan hệ theo một góc nhìn kỹ thuật như vậy, nhưng gần đây, chúng ta đã nhấn mạnh chúng, một cách tự nhiên và theo bản năng, về cả mặt cá nhân và chuyên môn. Chúng ta đang liên lạc, giao tiếp, đồng cảm và hỗ trợ nhau hơn bao giờ hết. Nếu nói tình cảnh hiện nay là trong cái rủi có cái may, thì cái may ở đây chính là mối liên hệ giữa con người với nhau mà chúng ta đã xây dựng và sẽ còn được hưởng lợi trong nhiều năm tới.
Tính xác thực và trách nhiệm giải trình thay vì đánh bóng và hứa hẹn
Lần đầu tiên sau một khoảng thời gian tôi không thể nhớ nổi là bao nhiêu, thật sự không ổn là ổn. Chúng ta đang đối mặt với tin xấu ngày này qua ngày khác, và đối với nhiều người, nó còn nhanh hơn cả sự chuyển hóa cảm xúc trong họ. Không có sự kỳ thị nào khi bạn thành thật với cảm xúc của mình, rằng bạn đang cố gắng như thế nào để giữ tập trung và bạn có thể giải quyết bao nhiêu công việc. (Về cơ bản, sự kỳ thị là không nên có. Nếu sếp của bạn đang đánh giá bạn dựa trên năng suất của bạn vào thời điểm này, bạn có thể cần một vị sếp mới!)
Chúng ta cũng có cơ hội nhận ra rằng cuộc sống thật sự lộn xộn như thế nào, sau nhiều năm quan sát rất nhiều phiên bản cuộc sống của người khác trên bảng tin mạng xã hội. Những đứa trẻ đang trở thành khách mời ngẫu hứng trong các cuộc họp Zoom, đồng nghiệp vẫn có thể nhìn thấy bàn ăn sáng bừa bộn đằng sau lưng bạn. Ừm, nó không lý tưởng chút nào. Nhưng có sao đâu? Vì vốn dĩ bản chất quan trọng hơn ngoại hình mà.
Bây giờ không phải là lúc cho những lời hứa hẹn mà chúng ta không thể thực hiện hoặc một hình ảnh bóng bẩy che giấu sự không hoàn hảo của bản thân. Càng cởi mở với nhau, chúng ta càng có thể hỗ trợ nhau tốt hơn.
Hợp tác thay vì cạnh tranh
Chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn bất kỳ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào. Tuy nhiên, mỗi người đều có vai trò của mình. Với tư cách một cộng đồng, Atlassian đang hợp tác để may khẩu trang cho các phòng khám địa phương và mua hàng tạp hóa giúp những người hàng xóm cao tuổi để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm của họ. Chúng tôi đã hợp tác với các công ty đối tác và chính phủ Úc để xây dựng một ứng dụng di động chia sẻ các bản tin cập nhật liên quan đến virus. Ngay cả Apple và Google, những đối thủ cạnh tranh khốc liệt trên thương trường vào những ngày bình thường, cũng đang làm việc cùng nhau để phát triển công nghệ theo dõi và hạn chế sự lây lan của virus bằng cách truy tìm những người đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Thật sảng khoái khi thấy có nhiều sự hợp tác giữa những đối thủ cạnh tranh hàng đầu như vậy. Có lẽ sẽ hơi quá khi hy vọng sự hợp tác ngày hôm nay sẽ kéo dài ngay cả khi mọi thứ trở về bình thường, nhưng tôi vẫn đang chắp tay cầu nguyện.
Khả năng đáp ứng thay đổi hơn là tuân theo một kế hoạch
Đây là một trích dẫn trong Tuyên ngôn Agile khiến tôi cảm thấy khó chịu ngay từ đầu. Không kể bạn làm nghề gì, bao nhiêu tuổi, đang ở đâu, hay album Beatles yêu thích của bạn là gì, tất cả chúng ta đều đang trải qua một khóa học cấp tốc về khả năng thích ứng với sự thay đổi. Các công ty triển khai hình thức làm việc từ xa, cha mẹ học cách trở thành một gia sư, ngày cả nhà tạo mẫu tóc cũng được ảo hóa!
Đương nhiên, những người không thể làm việc ngay bây giờ đang đối mặt với thách thức lớn nhất: thích ứng với cuộc sống với ngân sách hạn hẹp hơn. Dù muốn mở lại các doanh nghiệp và trường học, nhưng chúng ta buộc phải chờ đợi và quan sát tình hình. Việc lập kế hoạch trong thời gian ngắn cũng rất linh hoạt đối với chúng ta. Cân bằng giữa sức khỏe thể chất, tinh thần và kinh tế không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Khả năng đáp ứng chính là chìa khóa.
Một mô hình đã dự đoán đại dịch sẽ sớm đạt đỉnh điểm, một mô hình khác lại dự đoán điều này sẽ xảy ra muộn hơn nhiều. Mọi người đều muốn biết khi nào chúng ta có thể quay trở lại với cuộc sống đời thường quen thuộc trước đây, nhưng thực tế là chúng ta không thể biết trước được điều gì. Có lẽ một kết quả tích cực của COVID-19 chính là, lần tới, khi đối mặt với một sự thay đổi nghiêm trọng, chúng ta sẽ có được một sự chuẩn bị tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nguồn: Atlassian Blog