Theo báo cáo Tình trạng nền kinh tế API năm 2021 của Google, mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số đã là một trong những yêu cầu kinh doanh hàng đầu của các doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng đại dịch Covid-19 và những thay đổi trong điều kiện thị trường đã làm gia tăng tính cấp thiết của công việc này hơn bao giờ hết. Các tổ chức trên khắp thế giới đã vượt qua đại dịch bằng cách rút ngắn vài năm chuyển đổi kỹ thuật số xuống chủ còn vài tháng.

Nghiên cứu của Google đã phản ánh tính cấp thiết này: Để đối phó với đại dịch và những ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh doanh trong năm 2020, gần 3/4 các tổ chức vẫn liên tục đầu tư chuyển đổi kỹ thuật số và 2/3 trong số đó đang tăng cường đầu tư hoặc phát triển hoàn toàn các chiến lược của họ để trở thành những công ty tiên phong về kỹ thuật số.

API-powered digital transformation.jpg

Việc chuyển đổi kỹ thuật số phụ thuộc vào khả năng đóng gói các dịch vụ và tài sản thành các module có thể sử dụng lại nhiều lần của một tổ chức. Mọi công ty trên thế giới đều có những dữ liệu và chức năng có giá trị trong hệ thống của mình. Tuy nhiên, để tận dụng giá trị này, họ cần giải phóng chúng khỏi các ổ chứa và làm cho chúng có thể tương tác với nhau, cũng như có thể tái sử dụng trong các bối cảnh khác nhau – bao gồm cả việc kết hợp với các tài sản có giá trị từ đối tác và các bên thứ ba khác.

Các API cho phép tính năng tổng hợp này, bằng cách hỗ trợ các nhà phát triển dễ dàng truy cập và kết hợp các tài sản kỹ thuật số trong các hệ thống khác nhau, ngay cả khi các hệ thống đó không bao giờ có ý định tương tác với nhau. Ở dạng cơ bản nhất, các API là các phần mềm giao tiếp với phần mềm. Song nếu được thiết kế dựa trên trải nghiệm của nhà phát triển, thay vì chỉ là các dự án tích hợp riêng, thì các API có thể trở nên vô cùng mạnh mẽ, cho phép các nhà phát triển liên tục tận dụng dữ liệu và chức năng để tạo mới ứng dụng và tự động hóa.

Là một phần của báo cáo nghiên cứu Tình trạng nền kinh tế API năm 2021, Google đã khảo sát hơn 700 giám đốc điều hành CNTT trên toàn cầu để xác định các xu hướng chính về cách họ ứng phó với đại dịch và những ảnh hưởng của nó đối với hoạt động kinh doanh. Từ đó, Google đã xác định 5 xu hướng chính của năm 2021 khi nói đế chuyển đổi kỹ thuật số dựa trên API như sau:

1. Tăng cường triển khai SaaS và API dựa trên đám mây lai (Hybrid Cloud)

Khi được hỏi về các lĩnh vực công nghệ được tập trung trong tương lai, cứ hai người thì có một người cho biết sẽ gia tăng việc sử dụng SaaS để quản lý khối lượng công việc, cùng với việc áp dụng đám mây lai – các lĩnh vực mà API đóng vai trò là công cụ quan trọng.

API đáp ứng nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, từ việc kết nối các ứng dụng nội bộ cho đến việc kích hoạt các chiến lược hệ sinh thái kỹ thuật số. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều tổ chức đang lựa chọn tận dụng sự kết hợp của cơ sở hạ tầng tại chỗ và đám mây để lưu trữ các API đó.

2. Phân tích mở rộng lợi thế cạnh tranh

Nếu việc triển khai API giúp các công ty nâng cao sự hiện diện kỹ thuật số của họ, thì việc đo lường hiệu suất API là chìa khóa để tối ưu hóa việc sử dụng chúng và mở đường cho những lộ trình tiếp theo để đổi mới.

Khi được hỏi về cách đo lường hoạt động của API tại tổ chức của họ, câu trả lời hàng đầu của những người tham gia khảo sát bao gồm: dựa vào vào hiệu suất API, dựa vào các con số truyền thống của ngành CNTT và lượng tiêu thụ API. Nhưng khi được hỏi về cách thức họ ưa thích, câu trả lời hàng đầu lại là tác động kinh doanh – bao gồm cả chỉ số Net Promoter Score (NPS) và tốc độ tiếp cận thị trường.

Các doanh nghiệp hàng đầu sử dụng phân tích API không chỉ để thông báo các chiến lược mới, mà còn để điều chỉnh các mục tiêu và thuyết phục các nhà lãnh đạo. Vì các nhà tài trợ thường có xu hướng ưa thích các kết quả hữu hình (chẳng hạn như một API thu hút sự chú ý đáng kể của các nhà phát triển hoặc tăng tốc độ phân phối sản phẩm mới), các nhóm có thể sử dụng các chỉ số API để thuyết phục các nhà lãnh đạo một cách hiệu quả và đưa ra lý do thích hợp để họ tiếp tục tài trợ cho chương trình API.

3. AI và ML

Mặc dù một số khía cạnh của việc quản lý và bảo mật API khá đơn giản như áp dụng cơ chế xác thực để kiểm soát quyền truy cập hoặc giới hạn tốc độ khi lệnh gọi API vượt quá một giới hạn nhất định (chẳng hạn như trong một cuộc tấn công DDoS), trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) đang nổi lên như những phương pháp quan trọng để các tổ chức tăng cường khả năng quản lý và bảo mật API của họ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các giảm pháp giám sát và bảo mật API mới – được hỗ trợ bởi AI và ML – đang được áp dụng rộng rãi để giúp các công ty phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công độc hại. Thực tế, việc sử dụng API của các khách hàng sử dụng Apigee để phát hiện những bất thường, bảo vệ bot và phân tích bảo mật đã tăng 230% so với cùng kỳ năm trước, từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020.

API-powered digital transformation 1.jpg

4. Hệ sinh thái API là động lực đổi mới

API là xương sống của hệ sinh thái kinh doanh kỹ thuật số, bao gồm mạng lưới đối tác, nhà phát triển và khách hàng. Các hệ sinh thái này có thể chỉ bao gồm các bên nội bộ (các nhà phát triển trong một tổ chức), hoặc có thể bao gồm cả các cá nhân và tổ chức bên ngoài, chẳng hạn như nhà cung cấp, nhà cung cấp bên thứ ba, nhà thầu, khách hành, nhà phát triển, cơ quan quản lý hoặc thậm chí là đối thủ cạnh tranh.

Nghiên cứu của Google cho thấy rằng, trong khi các công ty thuộc tất cả các cấp độ hoàn thiện của API có khả năng tập trung vào việc tăng tốc độ phát triển các ứng dụng mới và kết nối các ứng dụng nội bộ, các tổ chức có độ hoàn thiện cao có nhiều khả năng hơn để tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái nhà phát triển hoặc hệ sinh thái đối tác xung quanh các API của họ.

5. Bảo mật và quản trị API quan trọng hơn bao giờ hết

Vào năm 2020, hầu như tất cả các ngành nghề, từ bán lẻ cho và sản xuất cho đến tài chính và y tế, đều có sự thay đổi đáng kể trong cách thức kinh doanh của họ, với trọng tâm là nâng cao khả năng kỹ thuật số trong đại dịch Covid-19. Tất cả các hoạt động đối mặt với khách hàng, nhân viên và đối tác đều chuyển sang các phương tiện kỹ thuật số. Mặc dù điều này tạo ra những cơ hội cho sự đổi mới, nhưng nó cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc bắt kịp các mối đe dọa bảo mật ngày càng tăng, bằng cách mở ra nhiều con đường hơn cho tin tặc truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm.

Nếu được thiết kế và quản lý đúng cách, các API sẽ cung cấp các tùy chọn kinh doanh để kiểm soát quyền truy cập vào tài sản kỹ thuật số, kết hợp hệ thống cũ với công nghệ mới và trao quyền cho các nhà phát triển thử nghiệm, đổi mới và phản ứng với các nhu cầu thay đổi của khách hàng. Tuy nhiên, nếu các API bị lộ ra ngoài mà không có biện pháp kiểm soát, bảo vệ an toàn hay cân nhắc của nhà phát triển thì cơ chế hiển thị có thể trở thành trách nhiệm pháp lý khi khiến dữ liệu của công ty và khách hàng gặp rủi ro.

Nghiên cứu của Google cho thấy việc tăng cường đầu tư vào bảo mật và quản trị vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khả năng tận dụng và bảo vệ tài sản kỹ thuật số của họ tốt hơn. Các doanh nghiệp nên bắt đầu suy nghĩ về việc vượt ra khỏi sự chuyển đổi kỹ thuật số và cố gắng đạt được sự xuất sắc về kỹ thuật số trong thập kỷ tới. Họ sẽ cần tận dụng các khả năng đám mây tiên tiến về bảo mật, phạm vi tiếp cận toàn cầu, quản lý truy cập và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu đang phát triển. Các API được thiết kế và quản lý tốt có thể đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp các khả năng điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình.

Tìm hiểu thêm

Báo cáo Tình trạng nền kinh tế API năm 2021 mô tả các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số phát triển trong năm 2021 và nêu ra mục tiêu trong những năm tới. Báo cáo này dựa trên dữ liệu sử dụng Nền tảng quản lý API Apigee của Google Cloud, các nghiên cứu điển hình về khách hàng của Apigee và phân tích một số cuộc khảo sát của bên thứ ba được thực hiện với các nhà lãnh đạo công nghệ từ các doanh nghiệp có hơn 1500 nhân viên tại Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Indonesia, Úc và New Zealand. Bạn có thể đọc bản báo cáo hoàn chỉnh tại đây.

Theo Google Cloud Blog

Menu