Việc bắt đầu một trang web có thể sẽ rất khó khăn vì bạn cần làm việc với nhiều nhà cung cấp và trải qua nhiều bước để gắn kết tất cả với nhau. Tôi cần thêm những bản ghi DNS nào? Làm cách nào để kích hoạt DNSSEC? Website của tôi có được bảo vệ an toàn trước các cuộc tấn công mạng không? – những câu hỏi này đã làm hàng triệu người điều hành website đau đầu. Chính vì vậy, Google Cloud đã giúp người dùng quản lý tất cả các bước này ngay tại một nơi – Google Cloud.
Google Cloud cung cấp cho bạn khả năng quản lý toàn bộ vòng đời của một website từ đầu đến cuối. Bạn sẽ không còn phải lo lắng về việc quản lý người đăng ký từ các kênh khác nhau và việc phải hiểu về cách tích hợp giữa các nhà cung cấp. Khi tận dụng dịch vụ Google Cloud, bạn có thể triển khai mở rộng một cách đáng tin cậy và an toàn. Ngoài ra, bạn có thể nhận được cả những lợi ích bổ sung khác như chứng chỉ SSL được Google quản lý miễn phí và tận dụng khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) tốt nhất với giải pháp Cloud Armor của Google.
Sơ đồ kiến trúc
Sơ đồ kiến trúc dưới đây minh họa tất cả các thành phần của giải pháp này:
Các thành phần chính của giải pháp:
– Cloud Domains
– Cloud DNS
– Máy tính và Lưu trữ
– Bộ cân bằng tải HTTPs toàn cầu
– Cloud Armor
– Cloud CDN
Mua một miền trên Google Cloud
Mua và xác minh miền có thể là một quá trình phức tạp với nhiều bước thực hiện. Cloud Domain sẽ giúp bạn quản lý các công việc này một cách dễ dàng và đơn giản bằng cách tích hợp hoàn toàn với Cloud DNS. Sự hỗ trợ đầy đủ qua các API còn hỗ trợ quản lý tự động nếu bạn cần quản lý các danh mục có quy mô lớn hơn.
Quản lý DNS với Google Cloud
Giải pháp Cloud DNS của Google là một cơ sở hạ tầng DNS được quản lý có khả năng mở rộng và tính khả dụng cao, giúp bạn dễ dàng quản lý các vùng DNS riêng tư và công cộng ngay tại một nơi duy nhất. Bản ghi DNS công khai sẽ được truyền trên toàn cầu bằng mạng phân tán của Google. Việc kích hoạt DNSSEC để bảo vệ người dùng cuối của bạn khỏi các tác nhân độc hại cũng cực kỳ dễ dàng và đơn giản.
Khởi tạo tính toán (Compute) và thiết lập lưu trữ đối tượng tĩnh
Có rất nhiều lợi ích khi bạn thực thi mã nguồn backend trên Google Cloud Compute. Bạn có thể sử dụng một nhóm thực thể được quản lý (managed instance group) để chạy các trang web của mình. Các nhóm thực thể được quản lý hỗ trợ bạn triển khai hiệu quả và có khả năng mở rộng cao. Khi nhu cầu sử dụng tăng lên, số lượng thực thể sẽ liên tục mở rộng và tương tự như vậy, nếu nhu cầu giảm, máy tính đang hoạt động có thể thu nhỏ quy mô. Điều này giúp bạn chỉ cần chạy những gì bạn cần ở một thời điểm nhất định. Bạn có thể dễ dàng tạo triển khai đa vùng để tăng độ tin cậy và hiệu suất. Với sự hỗ trợ API đầy đủ, công việc tự động hóa và quản lý sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Sử dụng nhóm thực thể được quản lý cho phép bạn triển khai tự động và an toàn các bản cập nhật với nhiều tùy chỉnh có sẵn.
Đối với các đối tượng tĩnh, bạn có thể lưu trữ chúng trong giải pháp Cloud Storage. Điều này sẽ cực kỳ phù hợp với những nội dung như hình ảnh và video không thay đổi liên tục. Bạn có thể lưu trữ số lượng lớn dữ liệu có sẵn trên toàn thế giới và dễ dàng chuyển nội dung vào Cloud Storage với nhiều công cụ có sẵn.
Thiết lập bộ cân bằng tải https bên ngoài
Bộ cân bằng tải https bên ngoài là giải pháp lớp thứ 7 dựa trên proxy toàn cầu, đóng vai trò là điểm vào cho tất cả lưu lượng truy cập của bạn vào mạng của Google. Giải pháp cân bằng tải tiên tiến của Google hỗ trợ quản lý lưu lượng tích hợp và có khả năng tùy chỉnh cao để phù hợp với nhu cầu của bạn. Bạn có thể tận dụng chứng chỉ SSL do Google quản lý để dễ dàng triển khai và quản lý liên tục.
Bảo mật lưu lượng truy cập với Cloud Armor
Cloud Armor là giải pháp phòng thủ chống DDoS tốt nhất của Google và Tường lửa ứng dụng web (Web Application Firewall – WAF). Bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi có sự hỗ trợ từ mạng của Google. Họ có một lịch sử lâu dài trong việc giảm thiểu một số cuộc tấn công DDoS lớn và phức tạp. Với Cloud Armor, bạn cũng có thể tận dụng các quy tắc WAF được định cấu hình sẵn (Bộ quy tắc bảo mật Mod 3.02), bảo vệ thích ứng và giới hạn tốc độ. Tất cả những điều này đảm bảo rằng trang web của bạn luôn trực tuyến và được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công.
Lưu nội dung tĩnh vào bộ nhớ đệm với Cloud CDN
Với các nội dung có thể lưu vào bộ nhớ cache như hình ảnh và video ngắn, bạn có thể sử dụng Cloud CDN để hỗ trợ phân phối chúng một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Google có các điểm hiện diện (points of presence) trên toàn thế giới, giúp đảm bảo rằng người dùng từ các khu vực quan trọng với bạn có được trải nghiệm liền mạch và nhanh chóng.
Bạn có thể xem video này nếu muốn tìm hiểu tổng quan hơn về kiến trúc và các thành phần của giải pháp này, cũng như hướng dẫn cấu hình chi tiết.
Theo Google Cloud Blog